Sau nhiều tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19, đến nay Việt Nam đã đạt những thành tựu nhất đinh. Tuy nhiên, với tình hình dịch như hiện tại, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ tư.
Việt Nam đã tiêm hơn 200 triệu liều vaccine
Ngày 16/3, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới về việc tiêm mũi thứ tư; Đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cơ sở khoa học để tiêm mũi thứ năm khi cần thiết.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thần tốc hơn nữa, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vaccine; không để sót, lọt người trong diện tiêm chủng. Trong tháng 3, Việt Nam tiếp tục phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu tiêm mũi thứ hai cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi; Song song đó, chuẩn bị sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi ngay khi được phân bổ.
Từ khi có nguồn vaccine đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 200 triệu liều vaccine, cơ bản phủ đủ liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi, đạt tỷ lệ cao so với các nước. Các đơn vị đã hoàn thành thủ tục mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Dù dịch bệnh tăng cao trên diện rộng, nhiều mục tiêu về kiểm soát dịch bệnh trên cả nước được đảm bảo. Tuy số ca nhiễm mới tăng đột biến nhưng số ca tử vong, chuyển nặng, nhập viện đều giảm, hạn chế được nguy cơ quá tải y tế.
Cuối năm ngoái, Anh công bố nghiên cứu cho thấy khả năng ngăn ngừa lây nhiễm nCoV của liều vaccine tăng cường (liều thứ ba) sẽ suy giảm trong 10 tuần sau tiêm. Ở người được tiêm hai liều vaccine COVID-19 AstraZeneca và một liều tăng cường (vaccine Moderna hoặc Pfizer), hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng là 60% từ hai đến bốn tuần sau tiêm. Tuy nhiên, sau 10 tuần, liều tăng cường Pfizer chỉ tác dụng 35%. Liều tăng cường Moderna hiệu quả 45% trong tối đa 9 tuần.
Trước đó, Israel, Chile và một số nước châu Âu đã tiêm liều thứ tư cho người dân, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia châu Á chờ đợi dữ liệu về tính cần thiết và hiệu quả của mũi tiêm này.
Với tình hình dịch bệnh luôn luôn biến chuyển, thêm các biến chủng mới gây khó khăn để vaccine đặc trị và tạo độ phủ hiệu quả. Tiêm mũi thứ tư là do tình hình thực tế yêu cầu để phần lớn người dân có được cuộc sống bình thường nhất. Dần dần có thêm nhiều nghiên cứu mới để biến COVID-19 trở thành bện đặc hữu.
Đọc thêm: Bao lâu thì F0 COVID-19 không còn lây nhiễm cho người khác?